vi du ve tinh chu quan cua y thuc

Chúng ta đều biết, ngay ở thời kỳ hoàng kim của mình, khuynh hướng duy lý trong triết học và văn hoá châu Âu đã phải hứng chịu sự phê phán gay gắt từ phía các địch thủ tư tưởng của nó. Chẳng hạn, khi Đêcáctơ tuyên bố "Tôi tư duy vậy tôi tồn tại" thì Patxcan cũng đã nói "Con tim có những lý lẽ mà lý trí không thể hiểu được". Cũng như vậy, các đại biểu của siêu hình học cận đại đã phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề của Béccơly và Hium. Sự phê phán đối với tâm thế duy lý dường như đã tìm được hình thức điển hình của nó trong triết học I.Cantơ. Triết gia Đức vĩ đại này, người tuyên bố sẽ thực hiện cuộc cách mạng Côpécníc trong triết học, đã nhìn thấy hạn chế của lý tính và cố gắng luận chứng cho quan điểm về tính đặc thù trong các đối tượng nghiên cứu của toán học, của khoa học tự nhiên và triết học. Quan điểm của ông về những lĩnh vực mà người ta chỉ có thể nhận thức thấu đáo bằng niềm tin, bằng khát vọng vươn tới, về tính thiết định chủ quan của tri thức khoa học và triết học, về tính tích cực của chủ thể nhận thức, đều chứa đựng những tiềm năng to lớn cho sự phát triển triết học. Ý nghĩa thực sự của cuộc cách mạng do Cantơ thực hiện chỉ có thể được đánh giá bởi tiến trình phát triển tư tưởng triết học châu âu sau đó. Triết học Đức từ Hêgen đến Mác là sự tiếp tục luận chứng cho khả năng của lý tính trên những lập trường thế giới quan khác nhau nhưng thống nhất với nhau ở một điểm: tính đồng nhất của tư duy và tồn tại. Một khuynh hướng khác - khuynh hướng hiện tượng học do Edmund Husserl (1859 - 1938), nhà triết học Đức gốc Áo khởi xướng, đã tiếp tục định hướng chống duy lý và cố gắng đi tìm những con đường khác nhau nhằm làm sáng tỏ vấn đề tính chủ quan. Không dừng lại ở việc luận chứng cho sự tồn tại của tính chủ quan và khả năng của nó, khi phê phán quan điểm đồng nhất ý thức, lý tính với "cái Tôi". E.Husserl và những đại biểu khác của hiện tượng học đã đặc biệt chú trọng dần khả năng mô tả tính chủ quan đó, làm rõ sự tồn tại và các yếu tố cua nó với tư cách là điều kiện tiên quyết cho mọi hoạt động người. Với định hướng và những cố gắng đó, hiện tượng học đã được coi là một trong những động lực lớn cho sự phát triển của triết học và văn hoá học châu âu thế kỷ XX.

Tiếp tục cách đặt vấn đề của Lốccơ về kinh nghiệm hội tại, với tư cách một trong hai nguồn gốc của tri thức, Brentanô đã xây dựng một học thuyết độc đáo về ý thức, trong đó ông phân biệt sự khác nhau giữa những hiện tượng tâm lý và những hiện tượng vật lý, và ở mức độ tinh tế hơn, ông đã chỉ rõ sự khác nhau về phương thức hiện hữu của chúng trong ý thức. Quan điểm triết học của Brentanô, đặc biệt là vấn đề tinh ý hướng" mà ông đề xuất trong những năm cuối đời trên cơ sở kết hợp tinh tế những khái niệm tâm lý học với nhũng khái niệm bản thể luận đã có ảnh hưởng đến toàn bộ sự nghiệp triết học của Husserl. Tuy nhiên, trên con đường tìm kiếm tri thức nhân văn. Husserl còn khai thác những tư tưởng của Đêcáctơ, Hium, Cantơ...

Thoạt đầu, do chịu ảnh hưởng của Brelltanô và do chưa hoàn toàn thoát ly những suy tư toán học, Husserl chủ yếu tập trung vào những vấn đề triết học của toán học. Trong công trình Triết học của số học (1891), ông đã cố gắng luận chứng về phương diệu triết học - tâm lý học cho những cấu trúc toán học cơ bản. Tuy nhiên, cố gắng đó đã bị G.Phrêbơhe - nhà logic học, toán học và triết học người Đức phê phán và coi những lập luận của ông chỉ là một thứ chủ nghĩa duy tâm lý. Sau đó, Husserl đã dành 10 năm (1891 - 1900) chuyên tâm nghiên cứu các vấn đề logic, các lý thuyết về tri thức, những vấn đề có liên quan đến cả logic học, bản thể luận và tâm lý học mô tả. Tác phẩm Những nghiên cứu logic (1901) - tác phẩm đầu tiên đích thực hiện tượng học chính là kết quả của 10 năm khổ công đó.

Lời nói đầu in riêng của tác phẩm này là sự đoạn tuyệt với chủ nghĩa duy tâm lý và bước đầu xác định phương hướng nghiên cứu mới. Ở đây, Husserl đã phê phán mọi mưu toan diễn đạt những tri thức cơ sở của toán học, triết học, logic học như là những bộ phận của tâm lý học kinh nghiệm. ông chỉ rõ đặc trưng của chủ nghĩa duy tâm lý là ở chỗ quy giản các thực thể logic, chẳng hạn các mệnh đề phổ quát về các trạng thái tinh thần hay hoạt động tinh thần. Chủ nghĩa duy tâm lý, về thực chất: là những thử nghiệm nhằm diễn đạt những mối liên hệ logic như những trường hợp riêng của mối liên hệ mang tính chất tâm lý. Trong quan niệm của Husserl, các thực thể logic, các con số, các mệnh đề, các liên hệ logic theo một nghĩa nào đó là kết quả của nhận thức và do vậy rõ ràng là thiếu căn cứ khi quy chúng về các hoạt động tinh thần. Sự phê phán đó của Husserl đã có ảnh hưởng trên một phạm vi rộng lớn và đóng vai trò "cái kết thúc thời kỳ hoàng kim của chủ nghĩa duy tâm lý".

Do chịu ảnh hưởng của Cantơ, khi luận chứng cho đối tượng và nhiệm vụ của môn khoa học mới, Husserl đã phân biệt giữa "vật như nó được đem lại cho ta" với "vật tự nó” (theo nghĩa là vật như tự thân nó tồn tại) và tuyên bố khoa học của ông chỉ miêu tả vật như nó được đem lại cho cho chúng ta mà thôi. Vật như nó được đem lại cho chúng ta rõ ràng chỉ tồn tại trong ý thức. Khoa học của ông không hướng vào những đối tượng được giả định một cách ngây thơ là đang tồn tại. Theo ông, chúng ta cần phân biệt sự hiện diện mang tính trực giác với khái niệm có tính chất biểu tượng và nói một cách dễ hiểu hơn, đó là sự phân biệt giữa cái thực tại với cái ý niệm, giữa bản thân đối tượng và nghĩa của nó đối với mỗi người. Không những thế, nếu ý thức không chỉ hướng ra bên ngoài mà còn hướng vào bên trong, vào các dòng ấn tượng cũng như các động thái của nó thì cũng cần phân biệt các loại đối tượng khác nhau của ý thức. Ý thức không chỉ có các đối tượng vật chất, mà còn có cả những "đối tượng mang tính phạm trù” (hay những đối tượng mang tính tư tưởng) những đối tượng được kiến tạo qua sự suy xét: các điều kiện, các quan hệ... Tương ứng với những dạng đối tượng này, theo ông, ý thức hay nhận thúc bao gồm những khái niệm gián tiếp - những khái niệm mà nội dung chỉ dần dần có được trong quá trình xác định nghĩa của đối tượng và những khái niệm trực tiếp hay trực giác mà nội dung của chúng được lấp đầy ngay khi ý thức hướng vào đối tượng. Cấu trúc hình thức của "những đối tượng mang tính phạm trù” gắn liền với chức năng ngữ pháp của ngôn ngữ. Bởi vậy, sự nhận thức chúng chỉ được thực hiện qua lời nói. Nghĩa của chúng phải được rút ra khỏi cái vỏ tâm lý học và ngữ pháp, và đương nhiên, khỏi đối tượng. Husserl tuyên bố con người có thể có khả năng trực giác trí tuệ với những đối tượng thuộc dạng đó và theo ông. khả năng trực giác xuất hiện khi chúng ta nói rõ ràng về một đối tượng với tư cách hành vi quy định những đặc trưng nhất đinh hay những mối quan hệ của nó. Về các đối tượng vật chất, Husserl cho rằng, chúng ta có thể hình dung về chúng một cách gián tiếp theo nghĩa là chúng hay một số phương diện nào đó của chúng không hiện hữu đối với chúng ta nhưng vẫn được coi như có tồn tại hoặc có thể hình dung về chúng một cách trực tiếp thông qua trực giác. Song, dù chúng có được đem lại cho chúng ta bằng cách nào thì chúng cũng không bị mất đi những cái "chưa hiện diện", những cái chỉ có thể được tập hợp lại bởi chính chúng ta. Như vậy, theo ông, nhận thức tự nó đã là một sự dung hợp của những khái niệm gián tiếp và những khái niệm trực tiếp.

Husserl cho rằng, sự vật đó, cái thực tại dược đem lại cho chúng ta bằng nhiều cách khác nhau là cái mà triết học phải tập trung miêu tả chính xác sự hiện hữu của nó trong ý thức. Nhiệm vụ của triết học không phải là kiến tạo những học thuyết có phạm vi quá lớn hay bảo vệ các hệ tư tưởng, mà ngược lại, cần tập tung phân tích, chẳng hạn, những đối tượng được lĩnh hội như thế nào và chúng tuỳ thuộc đến mức độ nào vào các hoạt động nhận thức, như nhìn thoáng qua, tập trung hay xem xét mà không đụng chạm đến chúng. Triết học nên miêu tả các cách thức mà, theo đó, những dạng tồn tại khác nhau như những đối tượng vật chất, những sự vật sống, những con người, những khách thể văn hoá… đều có thể được đem lại cho chúng ta. Hơn nữa, triết học cần làm rõ quá khứ và hiện tại đã được con người hình dung như thế nào, "độ lâu”, các con số, không gian, thời gian và cả cơ thể của chính chúng ta dược đem lại cho chúng ta ra sao. Với tinh thần thử nghiệm, Husserl đã thực hiện những sự phân tích đó đối với ý thức của bản thân và trong mọi trường hợp, ông đều phân biệt đối tượng được đem lại trong ý thức với hoạt động ý thức của chủ thể - hoạt động mà chủ thể đó phải tiến hành sao cho đối tượng dược lĩnh hội. Ở đây, chúng ta thấy rõ ràng ảnh hưởng của Cantơ sau những ý tưởng này của Husserl. Ông gọi sự miêu tả hiện tượng học về đối tượng là "sự phân tích đối tượng" mà thực chất, đó là sự mô tả đối tượng theo kiểu hiện tượng học: tức là sự phân tích nội dung đối tượng với tư cách nghĩa được đem lại cho mỗi chủ thể. Ông gọi sự phân tích các động thái tinh thần, các khái niệm của chủ thể là "sự phân tích lý trí” mà thực tế, đó cũng là sự miêu tả từ lập trường hiện tượng học đối với hoạt động tinh thần của chủ thể. Cái đối tượng và cái chủ thể theo nghĩa đó cùng nằm trong quan hệ tương liên, song không bao giờ có thể quy giản lẫn nhau.

Theo Husserl, khi tiến hành những miêu tả như vậy, chúng ta phải chỉ ra được những cấu trúc bản chất của các đối tượng, nhưng không phải bằng cách khái quát hoá các thí dụ, các trường hợp đã trải qua, mà bằng cách. như Husserl gọi, "biến hình tự do" hay “biến hình tưởng tượng”. Tức là, trong sự tưởng tượng, chúng ta tách những đặc trưng khác nhau khỏi đối tượng của sự phân tích, sự tách biệt một số đặc trưng như thế sẽ khiến cho đối tượng được thể hiện ra trong tính chính thể của nó. Tuy nhiên, việc tách ra một số đặc trưng khác lại phá huỷ đối tượng và do vậy, ngay khi ý định đó xuất hiện: cần phải nhanh chóng nhận ra rằng chúng ta đã tìm ra cái gì mang tính bản chất của đối tượng. Phương pháp "biến hình tự do" đó về thực chất, là sự trực giác bản chất. Ở đây theo chúng tôi, chúng ta cần chú ý thuật ngữ trực giác bản chất - chữ "bản chất" được Husserl dùng không phải theo nghĩa đối lập với "hiện tượng" trong cặp phạm trù "bản chất - hiện tượng", mà ngược lại, nó là cái bản chất nằm ngay trong hiện tượng, hiện tượng hiện ra trong tư tưởng như thế nào thì đó chính là bản chất. Đó là ý nghĩa mà Husserl thường dùng. Đồng thời, ý nghĩa đó cũng phù hợp với nghĩa gốc của từ "eidetic" là "thuộc về trí nhớ những hình ảnh thị giác". Sự trực giác bản chất, theo Husserl, là khả năng thấu hiểu dược đặc trưng này hay đặc trưng kia là thuộc về bản chất ("eidos" hay "essence") của sự vật được nói tới. Sự trực giác bản chất như vậy không chỉ nhằm vào những đối tượng, mà còn nhằm vào những hình thức khác nhau của tính ý hướng, chẳng hạn, khi chúng ta xác định bản chất của sự tri giác, trí nhớ, khả năng xét đoán và những cái tương tự.

Tính ý hướng (intentionality) là một trong những khái niệm vào loại quan trọng bậc nhất của hiện tượng học. Khái niệm này có liên quan đến vấn đề dã bàn trước đây vấn đề khái niệm gián tiếp và khái niệm mang nội dung trực tiếp. Husserl dùng khái niệm tính ý hướng để chỉ mối quan hệ của ý thức với sự vật dù sự vật đó được đem lại một cách trực tiếp hay nó chỉ được ám chỉ đến khi "không hiện diện". Ý thức bao giờ cũng là ý thức về một cái gì đó. Nhưng "cái gì đó” ấy là cái tồn tại đã qua suy xét cái được kiến tạo. Chính vì vậy, theo Husserl, cần phân biệt mặt "hiện thực" hay mặt thời gian với mặt "tâm tính" của hành vi ý thức, nghĩa là cần phân biệt "dòng chảy các ấn tượng” xuất hiện trong ý thức với hành vi hướng vào các ấn tượng ấy của chính ý thức. Ở đây, ông gọi tính có đối tượng của hành vi là "nghĩa" hay "văn cảnh" và chỉ rõ đó là đối tượng được nói đến trong sự phân biệt với đối tượng phổ biến. Nghĩa của đối tượng cũng là một tồn tại mang tính tinh thần nhưng không phải là một hình thái tinh thần.

Như đã nói, nhược điểm của Những nghiên cứu logic là vẫn chịu ảnh hưởng của Cantơ, đặc biệt là sự phân biệt "vật tự nó" với "vật như nó được đem lại cho ta". Trong những năm 1900 - 1910, thông qua sự phản tư sâu sắc hơn về những trải nghiệm thời gian, về ký ức và về bản chất của tư duy triết học, Husserl đã khắc phục được sự phân biệt kiểu Cantơ này và khẳng định rằng "vật tự nó" có thể được đem lại cho chúng ta như là tính đồng nhất có trong một tập hợp những hiện hữu. Quan điểm mới này được đưa ra trong tác phẩm Những ý niệm liên quan đến một Hiện tượng học thuần tuý và một Triết học hiện tượng học, hay còn gọi là Những ý niệm (1918) - tác phẩm đã bị rất nhiều người hiểu một cách sai lầm như là thái độ chấp nhận chủ nghĩa duy tâm truyền thống của Husserl.

Husserl đã nhiều lần nói về bản chất của tư duy triết học. Ông phân biệt tâm thế tự nhiên tức là tình trạng bị cuốn hút một cách ngây thơ vào các sự vật và thế giới do ảnh hưởng của khoa học tự nhiên, của quan niệm hàng ngày và của triết học cổ điển, với tâm thế triết học quan điểm phản tư mà từ đó chúng ta thực hiện sự phân tích đối với những khái niệm đã được sử dụng trong tâm thế tự nhiên và những đối tượng tương ứng với những khái niệm này. Khi bước vào tâm thế triết học, chúng ta đặt ra ngoài mọi ảnh hưởng hay tạm gác lại những khái niệm và mọi quyết đoán của tâm thế tự nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nghi ngờ hay phủ định chóng, mà chỉ có nghĩa là tạo ra một khoảng cách với chúng và xét đoán cấu trúc của chúng. Husserl gọi việc "tạm gác lại” này là "sự kiềm chế hiện tượng học”. Ông muốn thuật ngữ "epoché" từ trường phái Xiníc - một trường phái triết học xuất hiện vào giai đoạn suy tàn của văn hoá Hy Lạp cổ đại. Nó có nghĩa là "sự treo lên lòng tin vào tính hiện thực của mối liên hệ được nêu lên trong sự phán đoán”. Tất nhiên. trong đời sống người, chúng ta đều xuất phát từ "tâm thế tự nhiên". Để đạt đến "tâm thế triết học", chúng ta không những phải "kiềm chế", mà còn phải làm cho ý thức trở nên trong sạch, nghĩa là làm cho ý thức trút bỏ được nội dung đối tượng, chỉ còn lại những đặc tính vốn có của con người. trở thành "ý thức thuần tuý". Quá trình mà nhờ đó chúng ta chuyển sang "tân thế triết học" được gọi là phép quy giản hiện tượng học - một bước lùi từ những niềm tin mang tính tự nhiên để trở lại sự suy xét đối với những khái niệm và những đối tượng của chúng. Trong "tâm thế triết học", chúng ta cần xem xét một cách kỹ càng những khái niệm mà chúng ta thường lướt qua, những khái niệm vẫn tác động một cách âm thầm trong tình trạng chúng ta bị cuốn hút một cách ngây thơ vào thế giới. Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, Husserl đã thứ nghiệm những cách thức quy giản khác nhau hoặc những lý luận khác nhau để kiến tạo triết học. Đôi khi, ông cố bắt chước sự nghi ngờ mang tính phương pháp của Đêcáctơ, lại có lúc, ông cố chỉ ra rằng, những khoa học có định hướng vào thế giới cần bổ sung sự phản tư hiện tượng học, nếu chúng thực sự muốn trở thành khoa học.

Một trong những đặc điểm dễ thấy của "tâm thế tự nhiên" là nó chấp nhận một cách đơn giản thế giới này như là nền tảng cuối cùng của tất cả những kinh nghiệm và niềm tin đặc thù hơn của chúng ta. Theo Husserl, thế giới với tư cách đối tượng là cái nằm trong quan hệ tương liên với thế giới mềm tin hay thế giới tinh thần của con người. Trong tâm thế hiện tượng học, chúng ta cần tạo ra một khoảng cách ngay cả với sự tồn tại tự nhiên của chính mình trong thế giới và miêu tả nó như cái gì đó để có được thế giới. Husserl cho rằng, hình thức phản tư căn bản, hình thức thắc mắc căn bản này là cần thiết cho sự bắt đầu triết học và cho việc bước vào cái mà ông gọi là hiện tượng học tiên nghiệm hay hiện tượng học thuần tuý. Khi nào chúng ta lãng quên việc nghi ngờ thế giới tinh thần và cả cái thế giới hiểu theo nghĩa thông thường thì khi đó, chúng ta mất khả năng đạt đến tính thuần khiết triết học và những phân tích của chúng ta sẽ thực sự trở thành những bộ phận của các khoa học trần tục (chẳng hạn như tâm lý học) và sẽ không còn mang tính triết học.

Husserl còn đưa ra một sự phân định giữa hành vi lắp lại lời nói một cách không suy nghĩ, thụ động với hoạt động có sự suy xét rõ ràng, hoạt động mà trong đó, chủ thể hoạt động thực hiện sự suy xét minh bạch về chính mình. Tư duy rõ ràng tự nó, theo ông, vẫn có thể rơi trở lại tình trạng thụ động hoặc trở nên một thứ "cặn bã" khi người ta coi nó là đúng một cách hiển nhiên và tiếp tục các bước tư duy trên cơ sở đó. Thứ tư duy "cặn bã", thụ động như vậy có thể hàm chứa tính mâu thuẫn, tính không rõ ràng và do vậy phải làm cho nó tích cực trở lại, làm cho ý nghĩa của nó được phục hồi và có lẽ, việc áp dụng logic học hình thức có thể xem như hoạt động suy xét đã được tiến hành.

Trong những phân tích nhờ phản tư hiện tượng học, chúng ta miêu tả những hành vi ý hướng khác nhau và cũng có thế khám phá được cái "Tôi" với tư cách chủ thể hay tác nhân đằng sau những hành vi này. Với quan niệm đó, Husserl đã phân biệt cái Tôi tâm lý học cái Tôi đóng vai trò như một bộ phận của thế giới, với cái Tôi tiên nghiệm, cái Tôi đóng vai trò như một kẻ có thế giới riêng của nó, cái Tôi gắn liền với chân lý và do đó, gắn liền với những lĩnh vực đã "vượt quá" thế giới này.

Husserl luôn tìm cách giải thích "tính nước đôi” rất đáng chú ý của cái "Tôi". Đó vừa là cái gì thuộc về thế giới (với tư cách là tồn tại người), vừa là cái gì "vượt quá" thế giới (với tư cách một trung tâm nhận thức có khả năng chiếm lĩnh hay ban bố nghĩa cho thế giới). Cái Tôi tiên nghiệm không tồn tại tách rời mỗi cá nhân, nó là cái bản nguyên của mỗi tồn tại người. Trong mỗi chúng ta đều có một cái Tôi tiên nghiệm, bởi lẽ tất cả chúng ta đều là những sinh tồn có ý hướng và có lý trí. Husserl còn nỗ lực để phân tích tính liên chủ thể và cố gắng chỉ ra những cái "Tôi" khác, những tinh thần khác, những trung tâm ý thức và nhận thức lý tính khác được hiện diện và được hình dung như thế nào. Vai trò của thể xác, của năng lực giao tiếp của các quy tắc giao tiếp và cái sự thật là, nói chung, chúng ta đều tham dự vào các sự vật và thế giới… là những yếu tố quan trọng của sự phân tích ấy.

Cái Tôi tiên nghiệm, nguồn gốc của các hành vi ý hướng, được hình thành trong thời gian; nó có tính đồng nhất của riêng mình, tính đồng nhất khác với tính đồng nhất của các sự vật hay các điều kiện. Nói cách khác, cái Tôi tiên nghiệm, cội nguồn của các hành vi ý hướng là một tổng thể không thể phân chia. Tính đồng nhất của cái Tôi đó được tạo nên một cách dần dần thông qua "dòng chảy" của các kinh nghiệm, thông qua ký ức và sự tiên niệm.
Tags: